VoyForums
[ Show ]
Support VoyForums
[ Shrink ]
VoyForums Announcement: Programming and providing support for this service has been a labor of love since 1997. We are one of the few services online who values our users' privacy, and have never sold your information. We have even fought hard to defend your privacy in legal cases; however, we've done it with almost no financial support -- paying out of pocket to continue providing the service. Due to the issues imposed on us by advertisers, we also stopped hosting most ads on the forums many years ago. We hope you appreciate our efforts.

Show your support by donating any amount. (Note: We are still technically a for-profit company, so your contribution is not tax-deductible.) PayPal Acct: Feedback:

Donate to VoyForums (PayPal):

Login ] [ Contact Forum Admin ] [ Main index ] [ Post a new message ] [ Search | Check update time ]


[ Next Thread | Previous Thread | Next Message | Previous Message ]

Date Posted: 01:18:46 08/07/04 Sat
Author: thái hiền
Subject: Re: vinh danh Phạm Duy
In reply to: thái hiền 's message, "vinh danh Phạm Duy" on 01:16:45 08/07/04 Sat

2. Tình Thư Sinh

"Một hôm trận gió tình yêu lại
đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư..."

Nỗi niềm tâm sự của chàng Huy Cận thuở xưa cũng đâu có khác chi những xuyến xao rung động của những cô cậu học trò thời nay, được Phạm Duy đưa vào nhạc.

Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay vờn bay..., hoặc anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở, ép vào cuốn vở... để mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ... (Ngày Xưa Hoàng Thị, theo thơ Phạm Thiên Thư).

Có chàng trai nào thuở ấy lại chẳng có một đôi lần đứng ngẩn ngơ trước cổng trường nữ sinh vì tương tư một mầu áo.

Ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa... (Ngày Nào Biết Tương Tư), hay ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao... (Hai Năm Tình Lận Đận, theo thơ Nguyễn Tất Nhiên).

Đó cũng là những mối tình lính quýnh giữa sân trường trao thư... (Hai Năm Tình Lận Đận), hoặc nỗi đau khổ vì... thất tình: ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu... (Thà Như Giọt Mưa).

Đó cũng là những mối tình của những háo hức, rạo rực môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng... (Con Đường Tình Ta Đi) và của những say sưa, ngất ngây vì vị ngọt tình yêu, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt (Trả Lại Em Yêu).

Con đường tình của tuổi học trò trải dài suốt những năm tháng còn ngồi ghế nhà trường, từ thuở học sinh qua hết thời sinh viên. Những chuyện tình vẫn gắn liền những ngôi trường, có thể là những ngôi trường có tên như ngôi trường của những người tình Trưng Vương, người tình Gia Long, người tình Văn Khoa... (Con Đường Tình Ta Đi), hoặc bất kỳ ngôi trường nào không tên như ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới... (Trả lại Em Yêu). Những chuyện tình vẫn gắn liền những con đường, có thể là những con đường có tên như con đường Duy Tân, cây dài bóng mát, hoặc bất kỳ con đường nào không tên như con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím... (Con Đường Tình Ta Đi), con đường của những ngọn đèn hiu hiu, nỗi buồn cư xá.. (Trả Lại Em Yêu), con đường của những hàng me, hàng phượng...

Con đường tình của tuổi học trò cứ thế trải dài mãi, dài mãi cho đến lúc bỏ trường bỏ lớp, cho đến lúc em vừa thôi kẹp tóc..., anh vừa thôi học xong (Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài).

Bao nhiêu là con đường, những con đường mộng mơ, những con đường xanh thắm của một mùa nào lãng mạn. Tất cả, đều là những

con đường thảnh thơi nằm
nghe chuyện tình quanh năm...
(Con Đường Tình Ta Đi)

3. Tình Quê

Chàng là thanh niên, mạch sống khơi trên luống cày, nói năng hiền lành như thóc với khoai. Nàng là con gái nết na trong xóm, nước da đen ròn với nụ cười son...
(Vợ Chồng Quê)

Hiền lành như thóc với khoai, hiền như không thể hiền hơn. Tôi thích lối ví von rất "quê" ấy. Những lời lẽ như thế, mộc mạc đơn sơ, chân chất bình dị, nhưng đầy những ý, tình, được tìm thấy khá nhiều trong ca từ của Phạm Duy ở những bài dân ca, tình ca quê hương... và cả những bài về tình yêu trai gái ở miền quê.

Ngoan như cơn gió đêm hè...
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
chảy vào lòng cặp tình nhân...
(Lúa Mẹ),

hoặc

Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng...
(Tình Nghèo, theo thơ Hồng Nam),

hoặc

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ, nhớ hàm răng cô mình cười...
(Tình Hoài Hương),

hoặc

Yêu em đôi mắt hạt huyền
Yêu làn tóc rối, yêu liền nước da...
Yêu tấm áo thô sơ, dãi dầu mưa nắng vẫn chưa phai mối tình...
(Hò Lơ),

hoặc

Em ở lại nhà, em ơi em ở lại nhà
vườn dâu em đốn, mẹ già em thương... (Dặn Dò)

"Tình quê" luôn gắn liền tình yêu quê hương đất nước, gắn liền với giấc mơ thanh bình của những làng quê nghèo chìm trong lửa khói chiến tranh.

Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười... (Quê Nghèo)

Trong những giấc mơ ấy không thiếu giấc mơ của "những đóa hoa thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa" về một "ngày trở về" của người chiến binh...

Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về..., có đôi uyên ương sống đời mặn nồng...
(Ngày Trở Về)

Phạm Duy được biết đến nhiều nhất và trước hết như là người nhạc sĩ "dân ca", hơn là "tâm ca", "tình ca"... Tình quê chan chứa trong làn điệu dân ca và những câu ca dao ngọt ngào được phổ nhạc.

Đố ai nằm ngủ không mơ? Biết em nằm ngủ hay mơ, nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên, nửa đêm anh đến bến bờ... yêu đương... (Đố Ai)

Những chuỗi nốt nhạc uốn lượn, luyến láy. Câu ca dao tình tứ lại càng thêm tình tứ.
Tình quê, như bức tranh quê, vẫn một màu trời xanh thắm, trong vắt.

4. Tình Một Thuở

Đấy là những chuyện tình "ngày đó chúng mình", những chuyện tình của ngày đó có em đi nhẹ vào đời và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối..., của ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời rồi, ôi những cánh tay đan vòng tình ái..., của xe tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...

Những lời ấy ghi lại được từ một trong những bản tình ca hay nhất, đẹp nhất của Phạm Duy. Nhịp điệu chậm rãi, dìu dặt kết hợp với giai điệu mềm mại, dịu dàng, như bước chân ai khe khẽ, rón rén đi nhẹ vào đời. "Ngày Đó Chúng Mình", chắc phải là bản tình ca của một thời để yêu, một thời để... soạn nhạc.

Có rất nhiều những lời nhạc lời thơ như vậy trên "con đường tình Phạm Duy".
Đường em có đi, hằng đêm gót hoa
nở những đóa thơ ôi dị kỳ... (Đường Em Đi)

Nhưng không phải lúc nào cũng là trăng là sao, là những đóa thơ, là "xe tơ kết tóc", là "những cánh tay đan vòng tình ái"... mà còn có cả những đêm "rách rưới", những cơn mơ "lẻ loi":

Ngày đó có anh mê mải tìm lời
tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi... (Ngày Đó Chúng Mình)

Hạnh phúc hay khổ đau, tình vui hay tình buồn, cũng mang đến những nguồn cảm hứng và chất liệu âm thanh cho người nhạc sĩ sáng tác để, nói như nhạc sĩ Y Vân, đem nhạc tình ghi tràn đầy cung điệu buồn.

Nỗi tiếc nhớ, nỗi cô đơn chẳng hạn:
Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào...
Đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay...

Đó là Nha Trang Ngày Về, là một mình một bóng đi tìm lại dấu tích kỷ niệm. Ca khúc ấy, cùng với những bài tình ca lẻ loi như Giết Người Trong Mộng, Mùa Thu Chết (theo thơ Apollinaire), Thu Ca Điệu Ru Đơn (theo thơ Verlaine), Nước Mắt Mùa Thu, Còn Gì Nữa Đâu, Đừng Bỏ Em Một Mình (theo thơ Minh Đức Hoài Trinh)... được Phạm Duy gọi chung là những bài tình ca một mình.

Nỗi chia cách người đầu sông, kẻ cuối sông chẳng hạn:

Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu, một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào... (Hẹn Hò)

Và cả những nỗi vất vả, lao đao lận đận trên con đường tình gập ghềnh:

Ta yêu em lầm lỡ, bây giờ đường nào đi...
Ta yêu em vất vả, ôi lần cuối, lần đầu...
(Ta Yêu Em Lầm Lỡ, theo thơ Đào Văn Trương)

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao...
(Hai Năm Tình Lận Đận, theo thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Hai năm, năm năm, mười năm..., không chỉ những khoảng cách thời gian, những đổi thay của khí hậu, của mùa màng, của xuân hạ thu đông cũng theo nhau đi vào nhạc Phạm Duy. Có khi là "Xuân Nồng", là "Đêm Xuân":

Đêm qua say tiếng đàn
đôi chim uyên đến giường...

Có khi là "Hạ Hồng", là "Phượng Yêu":

Yêu người, yêu Phượng, yêu hoa đầu mùa.
Yêu mầu rực rỡ, yêu em mù lòa...
Yêu người yêu cả cơn mơ rụt rè...

Có khi là "Tình Thu", là "Chiều Đông"..., tất cả góp lại thành bản "tình ca bốn mùa". Với bản tình ca ấy, chắc hẳn con người nghệ sĩ Phạm Duy cũng đã muốn bày tỏ nỗi ước mơ của riêng mình: những mùa màng của đất trời cũng sẽ là những mùa màng của tình yêu, để những cặp tình nhân trên đời có đủ "bốn mùa yêu nhau."

5. Tình Muôn Thuở

Tìm nhau trong muôn thuở
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu... (Tìm Nhau)

Tình muôn thuở, đấy là chuyện tình của những "ngàn thu", "ngàn trùng"..., những "muôn đời", "muôn kiếp"..., những mối tình bất tử, bất diệt, dẫu có "nghìn trùng xa cách"(1).

Còn theo nhau tới muôn đời sau... (Đừng Xa Nhau )

Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau... (Kiếp Nào Có Yêu Nhau, theo thơ Minh Đức Hoài Trinh)

Nếu một mai không còn ai đứng bên kia đời trông vòi või... (Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời)

Nghìn thu, anh là suối trên ngàn
Nghìn thu, em là sóng xô bờ...
Cuộc tình đi vào cõi thiên thu... (Nghìn Thu)

Đừng cho trăng tan dưới gót
Đừng cho không gian đụng thời gian... (Thương Tình Ca)

Không gian đụng thời gian thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra? tôi nhớ đã từng hỏi nhạc sĩ Phạm Duy câu ấy. Ông có giải thích, có viện dẫn những nguyên tắc vật lý, và siêu hình nữa: là cuộc đời sẽ tan biến, là tận thế của tình yêu. Và tôi nhớ câu kết luận của ông: "yêu như thế là đẩy tình yêu đến tận cùng hai cõi sống, chết".

Tình muôn thuở, đấy cũng là những chuyện tình muốn quên mà không sao quên được.
Làm sao giết được người trong mộng, để trả thù duyên kiếp phũ phàng...
(Giết Người Trong Mộng)

Phải yêu như thế nào mới tính chuyện "giết người trong mộng đã bội thề", mới hiểu vì sao "nhưng người trong mộng vẫn hiện về". Phải yêu đến mức nào mới tính chuyện "trả thù", mới hiểu vì sao "tình hận" lại là khuôn mặt khác của "tình yêu".

Muôn thuở hay ngàn thu, trăm năm hay nghìn năm, chỉ là cách nói, thực ra mỗi người chỉ có một đời để sống, để yêu thôi, và khi đã yêu thực tâm thực lòng thì:

Trăm năm dù lỗi hẹn
nghìn năm vẫn không quên
(Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên)

Lại còn phải kể đến những duyên và số. Biết bao kẻ yêu nhau nếu chẳng phải duyên, chẳng phải số thì rồi cũng chẳng ai chờ, chẳng ai đợi, dẫu có đi hết một đời vẫn không sao gặp được nhau.

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
chứ cây đa bến cũ con đò khác đưa...
(Trăm Năm Hò Hẹn, theo thơ Lưu Trọng Văn)

Tình muôn thuở, nói như Phạm Duy: phải yêu, phải đi đến tận cùng của tình yêu mới hiểu được tại sao "đừng cho không gian đụng thời gian", mới hiểu được thế nào là "đưa nhau vào cõi vô biên", "đưa nhau vào chốn không tên, và "dìu nhau, đưa nhau vào ngàn thu..."

6. Tình Sử

Tình sử có thể là những câu chuyện tình có thật và không thật, đôi lúc huyền hoặc như truyền thuyết, có thể bắt đầu bằng:

Một đàn chim tóc trắng bay về qua trần gian, báo tin rằng "có nàng Giáng Hương..."
Và kết thúc bằng:
Trời đày cô tiên nữ xuống đầu thai thành hoa, giữa đêm mờ hoa nở chóng phai...
(Cành Hoa Trắng).

Tình sử lại cũng có thể là những truyện tích tự ngàn xưa về những cuộc tình duyên (thường là éo le, ngang trái hay bi thảm) vẫn được người đời truyền tụng:

Đêm năm xưa, khi cung đàn lên tơ, hoa lá quên giờ tàn, mây trắng bay tìm đàn, hồn người thổn thức trong phòng loan...

Và kết thúc bằng:

Ôm ấp bao mộng vàng, cho đến khi gặp chàng thì đành tan vỡ câu chờ mong...
Duyên kiếp trong cuộc đời, đem xuống nơi tuyền đài, để thành ngọc đá mong chờ ai...
(Khối Tình Trương Chi)

Hoặc cũng có thể là những câu chuyện tình xưa và nay, được kể lại, những chuyện tình thường là đẹp và buồn...

Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, và hồn nương bóng quốc kỳ...
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền...
(Chinh Phụ Ca)

Bài hát chất chứa mối sầu dằng dặc và một "khí hậu" mang mang thi vị của hơi thơ cổ, bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thích ứng (những "phòng loan", "tơ đàn", "khúc hoan", "ngày vàng", "tiếng diều trong", "làn du phong", "mây ráng hồng", "tiếng rừng xao xuyến", "lệ thắm tơ vàng"...), tái tạo bức họa đẹp và buồn của "người chinh phụ" mòn mỏi đợi chồng buổi chinh chiến điêu linh, gợi nhiều cảm xúc, đưa người nghe về lại khoảng không gian xa thẳm "thuở trời đất nổi cơn gió bụi", nhuốm vẻ bi tráng, hào hùng và lãng mạn...

Có khác chăng, vì thương cảm nỗi niềm chinh phụ, Phạm Duy đã chuyển sang một kết thúc đẹp của "người chinh phu về", không nỡ bắt người chinh phụ phải chôn vùi tuổi xuân chốn khuê phòng lạnh lẽo.

Rồi nhìn qua song em thấy trước sân
ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
mang theo biết bao nhiêu ngày vàng...

Và những câu chuyện tình thời nay, như chuyện tình mùa chinh chiến "Màu Tím Hoa Sim", dẫu thời gian có phôi pha vẫn còn đọng lại trong từng câu thơ, nét nhạc.

Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu
(Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, theo thơ Hữu Loan)

Huyền thoại, huyền sử, hay truyền thuyết, hay những truyện tích được dân gian truyền tụng, hay chỉ là những câu chuyện kể không rõ tính xác thực, tất cả những chuyện tình ái đi vào trong thơ, trong nhạc vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định trong thi ca và trong lòng người thưởng ngoạn.

[ Next Thread | Previous Thread | Next Message | Previous Message ]

Post a message:
This forum requires an account to post.
[ Create Account ]
[ Login ]
[ Contact Forum Admin ]


Forum timezone: GMT-8
VF Version: 3.00b, ConfDB:
Before posting please read our privacy policy.
VoyForums(tm) is a Free Service from Voyager Info-Systems.
Copyright © 1998-2019 Voyager Info-Systems. All Rights Reserved.